Khánh thành Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản
Khánh thành Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản
Ngày 14/12, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản. Đây là dự án có hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ và tự động hóa bằng 100% công nghệ Nhật Bản đầu tiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 13/09/2018 với diện tích 5,2ha, tổng vốn đăng ký ban đầu là 350 tỷ đồng. Sau hơn 8 tháng triển khai xây dựng, Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản đã xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành với công suất 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong những năm qua, mặc dù ngành hàng lúa gạo trong vùng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế đang ảnh hưởng tới hiệu quả, tính bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành hàng quan trọng này. Đặc biệt là chất lượng, phẩm cấp hạt giống và chất lượng gạo hàng hóa. Để khắc phục khó khăn, hạn chế trên, ngoài sự nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân, đòi hỏi phải có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp giàu tiềm lực, có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực này.
“Do vậy việc Vinaseed đầu tư Dự án Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản tại tỉnh Đồng Tháp – trái tim của Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo cả nước sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo ứng dụng công nghệ 4.0 từ giống đến tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; làm cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến, bảo quản giống và sản xuất, kinh doanh lúa gạo có thương hiệu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước. Đặc biệt, góp phần thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, dự án hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ là niềm vui của nông dân Đồng Tháp mà còn là niềm vui chung của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bởi dự án không chỉ cung cấp nguồn giống chất lượng mà còn góp phần tạo ra sự thay đổi lớn về tập quán, quy trình sản xuất của nông dân theo chuỗi khép kín từ khâu giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, là việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân từ các sản phẩm sau gạo trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động của dự án. Đồng thời, đề nghị công ty tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô dự án vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp giống chất lượng cho cả vùng.
Tặng bằng khen cho người đàn ông nhặt khẩu trang phòng dịch Covid-19
Trước hành động đi nhặt khẩu trang đã qua sử dụng, góp phần phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tặng bằng khen cùng tiền thưởng cho ông Thanh.
Sáng 14-2, ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), cho biết thừa ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc đã trao bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ông Nguyễn Văn Thanh (67 tuổi; ngụ khóm 1, phường 3, thành phố Sa Đéc) về hành động đi nhặt khẩu trang đã qua sử dụng trên các tuyến đường nội ô thành phố Sa Đéc, nhằm phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.
Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc tặng bằng khen cho ông Thanh
Việc làm của ông Thanh đã nhanh chóng tác động đến ý thức bỏ khẩu trang đúng nơi quy định của nhiều người. Ngoài việc làm này, những năm qua, ông Thanh còn là người tiên phong trong nhiều hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương như vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hàng ngàn chai nước suối, khăn lạnh để hỗ trợ thực hiện mô hình "Trạm dừng chân nghĩa tình" tặng quà cho người dân về quê đón Tết.
Hình ảnh ông Thanh đi nhặt khẩu trang
Ông Thanh còn tự nguyện lấy xe máy gắn dòng chữ "Hướng chỉ viên" để chở du khách tham quan thành phố Sa Đéc và nhặt rác tại Công viên Sa Đéc để tạo ý thức cho du khách, giữ gìn mỹ quan cho đô thị.
Trước đó, cứ đều đặn mỗi buổi sáng và chiều là ông Thanh lại lên xe máy chạy rảo quanh các tuyến đường, hễ thấy khẩu trang đã sử dụng rơi vãi ở đâu là dừng xe lại nhặt, cho vào bao.
"Việc làm của tôi chỉ cần một người thấy thôi, nhưng có thể người ta sẽ nói cho 10 người biết, 10 người sẽ nói ra cho 100 người biết và 100 người sẽ nói ra 1.000 người biết. Tôi nghĩ, một hành động nhỏ sẽ giúp người dân có ý thức hơn để sau khi sử dụng khẩu trang rồi bỏ vào thùng rác, không ảnh hưởng tới môi trường và cộng đồng xung quanh", ông Thanh bộc bạch tâm sự.